khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 16/06/2014 - 08:31

Tạo thêm cơ hội thu hút đầu tư

Phát triển các khu, cụm công nghiệp nhỏ, vừa, làng nghề là một biện pháp quan trọng, nhằm tạo mặt bằng để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Bắc Ninh đang có 25 khu, cụm công nghiệp nhỏ và vừa với tổng diện tích 628 ha, trong đó 18 khu, cụm đã có hơn 800 cơ sở sản xuất vào đầu tư.

Sản xuất sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở Cụm CN Đồng Quang (thị xã Từ Sơn).

 

 

Đối với mô hình khu công nghiệp tập trung hiện nay chủ yếu được thành lập để thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp lớn và trung bình trong nước nhằm tạo ra động lực phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh; đồng thời, để thu hút các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, tiên tiến... Do vậy mô hình này sẽ không thu hút được phần đông các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm số lượng lớn trong tỉnh.

Việc hình thành mô hình cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng về đất đai mở rộng sản xuất, tạo điều kiện quản lý môi trường và hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp. Hiện tại, hoạt động công nghiệp Bắc Ninh tiếp tục phải đối mặt với quá trình sản xuất biến đổi theo xu hướng giá đầu vào tăng như xăng, dầu, điện, than… kéo theo đơn giá các nguyên liệu khác tăng và giá thành sản phẩm cũng tăng theo.

Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tiến sâu vào hội nhập, dẫn đến việc tất yếu thị trường tiêu thụ hàng hóa ngày càng cạnh tranh gay gắt, không chỉ với nước ngoài mà ngay hàng hóa trong nước cũng hết sức khốc liệt. Vì thế, việc tính toán chính xác quy mô phát triển các khu, cụm công nghiệp nhỏ, vừa và đưa ra cơ chế quản lý, tổ chức thống nhất sẽ tạo ra lực hút đối với các nhà đầu tư. Điều này không những giúp cho công nghiệp Bắc Ninh hoàn thành mục tiêu, kế hoạch trong năm mà còn tạo sức bật những năm tiếp theo.

 Mục tiêu trước mắt là tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là các cụm công nghiệp vừa, nhỏ, làng nghề. Có chính sách huy động tốt, tạo thuận lợi đối với các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp như mặt bằng, các điều kiện sản xuất, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư; khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp, hiệu quả…

Từ mục tiêu trên, giải pháp khắc phục chủ yếu là tiếp tục rà soát quy hoạch các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, tránh tình trạng hiện nay thiếu hụt hành lang pháp lý quản lý đầu tư xây dựng; thiếu thống nhất cơ quan đầu mối quản lý; thiếu doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, việc cần thực hiện ngay lúc này là sớm xây dựng quy chế tổ chức, quản lý đối với các khu, cụm công nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề. Đồng thời, tạo dựng cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển từ các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, các cơ sở, hộ sản xuất trong các làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, để các khu, cụm công nghiệp có sự ổn định lâu dài, bền vững, các ngành, các cấp liên quan cần làm tốt công tác tham mưu, tính toán chính xác tốc độ phát triển mỗi ngành nghề. Từ đó quy hoạch, xây dựng khu, cụm công nghiệp đáp ứng cơ bản về mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Khảo sát ở một số KCN như Châu Khê, Đồng Quang, Đình Bảng... cho thấy ngay sau khi hình thành, số hộ đăng ký vào KCN luôn vượt nhiều so với diện tích quy hoạch đã duyệt ban đầu. Điều quan trọng nữa là cần có ngay mô hình quản lý sau đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp này nhằm xác định những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kém hiệu quả; đang gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… để có biện pháp di dời, xử lý phù hợp. Đồng thời có tác động cho các doanh nghiệp tăng cường mối liên kết, hợp tác nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bài, ảnh: Yến Ngọc
Top